Dòng sông kỳ bí
Phan_10
“Ý anh là việc khiêu vũ cũng ngấm vào trong máu của em có phải không?”
“Em không biết. Chắc thế.”
“Nhưng giờ, người ta bảo rằng em không thể tiếp tục theo đuổi nghiệp khiêu vũ nên em đã dừng lại, đúng không? Điều đó có thể khiến em hết sức đau lòng, nhưng em vẫn phải đối diện với nó.”
“Vâng...”
“Chính thế,” hắn nói và rút một điếu thuốc từ bao thuốc để trên chiếc ghế đá, giữa hai người bọn họ. “Phải, chính thế, việc trước đây anh làm, anh rất thành thạo. Nhưng rồi anh bị bắt, vợ anh chết, tất cả những chuyện đó đã làm khổ con gái anh rất nhiều.” Hắn châm một điếu thuốc, nhả một hơi dài và cố gắng truyền đạt chính xác những gì hắn vẫn luôn tự nhắc đi nhắc lại trong đầu mình hàng trăm lần. “Anh không muốn làm khổ con gái mình lần nữa, Annabeth. Em biết không? Nó sẽ không thể chịu đựng nổi nếu anh lại ngồi tù thêm hai năm nữa. Mẹ anh? Bà ấy không phải là người khoẻ mạnh gì cho cam. Nếu bà ấy mất trong khi anh ngồi tù? Họ sẽ mang con gái anh đi, cho chính quyền quản thúc, ở một nơi như Deer Island hay những nhà giáo dưỡng dành cho trẻ em. Anh không thể chấp nhận điều đó. Vậy đấy. Ngấm trong máu hay không, kệ cha nó. Anh phải sống đàng hoàng.”
Jimmy đón nhận ánh mắt của Annabeth khi cô chăm chú dò xét gương mặt hắn. Hắn hiểu là cô đang tìm kiếm những kẽ hở trong lời phân trần của hắn, một dấu hiệu của sự dối trá, và hắn hy vọng mình đã hùng biện thành công. Thực tế, những điều hắn vừa nói phần lớn đều là sự thật. Hắn chỉ bỏ qua một điều, một điều mà hắn đã thề không hé miệng nói với bất kỳ người nào, cho dù đó là ai đi nữa. Thế nên, hắn nhìn vào mắt Annabeth và chờ đợi phán quyết của cô, cố quên đi những hình ảnh của cái đêm hôm đó, bên dòng sông Kỳ Bí - một người đàn ông đang quỳ, nước dãi nhỏ xuống cằm, rối rít van xin - những hình ảnh vẫn luôn ghim vào đầu óc hắn như những mũi khoan.
Annabeth cầm lấy một điếu thuốc. Hắn châm lửa cho cô và cô bảo, “Em từng phải lòng anh đến là khổ sở anh có biết không?”
Jimmy vẫn giữ vẻ bình thản, ánh mắt điềm đạm dù trong lòng hắn dường như vừa trút bỏ được một gánh nặng ngàn cân. Hắn đã nói ra phân nửa sự thật. Nếu mọi chuyện với Annabeth trở nên suôn sẻ thì hắn sẽ không bao giờ phải nói ra nốt nửa còn lại.
“Không đùa đấy chứ? Anh á?”
Cô gật đầu. “Khi anh tới nhà gặp Val, Chúa ơi, lúc đó em mới mười bốn, mười lăm? Mà thôi Jimmy, quên chuyện đó đi. Hồi đó chỉ cần nghe thấy giọng của anh ở trong bếp là cả người em đã run lên rồi.”
“Ôi trời.” Hắn chạm vào tay cô. “Thế bây giờ không còn run nữa à?”
“Có chứ Jimmy. Vẫn run.”
Và Jimmy cảm thấy dòng sông Kỳ Bí đang trôi xa dần, tan biến trong lòng con kênh Penitentiary rong rêu, ra khỏi cuộc đời của hắn và trở về chốn cũ xa xôi.
Khi Sean quay lại tới đoạn đường mòn chạy bộ thì nữ giám định viên lúc nãy đã có mặt ở đó. Whitey Powers điện đàm ra lệnh cho tất cả các đơn vị trên hiện trường truy quét và tạm giữ tất cả những người vô gia cư lai vãng trong công viên rồi ngồi xổm xuống bên cạnh Sean và nữ giám định viên kia.
“Vệt máu đi theo hướng này,” cô ta nói và chỉ vào trong công viên. Con đường chạy bộ dẫn qua một cây cầu gỗ nhỏ rồi uốn lượn, rẽ xuống một khu vực cây cối rậm rạp trong công viên, vòng quanh khu nhà hàng đang đóng cửa im ỉm ở khúc cuối. “Ở kia nữa cũng có máu.” Cô ta cầm bút chỉ, Sean và Whitey ngoảnh đầu nhìn lại, thấy một vệt máu nhỏ hơn vấy trên cỏ phía bên kia con đường chạy bộ cạnh cây cầu gỗ nhỏ, những chiếc lá phong đã che chắn cho nó khỏi cơn mưa đêm qua. “Tôi nghĩ cô ấy chạy về phía cái vực nhỏ ở đằng kia.”
Máy bộ đàm của Whitey phát ra tín hiệu, ông ta liền đưa lên miệng nói, “Powers nghe đây.”
“Trung sĩ, chúng tôi cần ông tới vườn hoa.”
“Tôi tới liền.”
Sean nhìn Whitey rảo bước trên con đường chạy bộ rồi rẽ về phía vườn hoa ở khúc ngoặt đằng trước, hai tà áo đồng phục khúc côn cầu của con trai bay phấp phới quanh thắt lưng.
Sean đứng thẳng dậy, cả công viên thu vào trong tầm mắt, từng gốc cây bụi cỏ, từng con suối, ngọn đồi. Anh nhìn lại cây cầu gỗ nhỏ bắc qua một vực nước nông, nước đen gấp đôi và ô nhiễm gấp đôi con kênh Penitentiary. Quanh năm nó bao phủ bởi một lớp màng đen nhớp nhúa, ruồi muỗi vẫn kéo đến đây làm ổ vào mùa hè. Sean nhìn thấy một chấm đỏ giữa những thân cây mảnh, màu xanh mọc lên dọc theo bờ vực, liền di chuyển về hướng đó. Nữ giám định viên hiện trường đột nhiên xuất hiện bên cạnh anh, cô ta cũng vừa phát hiện ra điều đó.
“Tên cô là gì?”
“Karen. Karen Hughes.”
Sean bắt tay cô ta rồi hai người bọn họ băng qua con đường chạy bộ, mắt dán vào cái chấm màu đỏ đó, không nghe thấy tiếng Whitey Powers quay trở lại cho tới khi ông gần như lao ra trước mặt họ, thở hổn hển như sắp hết hơi.
“Chúng tôi tìm thấy một chiếc giày,” Whitey bảo.
“Ở đâu?”
Whitey chỉ ngược lại phía con đường chạy bộ, tới khúc ngoặt sang vườn hoa. “Trong vườn. Giày nữ. Số sáu.”
“Đừng có đụng vào nó đấy nhé.” Karen Hughes nói.
“Thì không đụng,” Whitey nói và nhận được một ánh mắt từ phía Karen Hughes, một ánh mắt sắc lạnh khiến người ta rùng mình. “Xin lỗi, ý tôi là sẽ không đụng vào, thưa cô.”
Sean quay trở lại với đám cây ở rìa vực, cái chấm đỏ không còn là một chấm nhỏ nữa mà là một miếng vải rách hình tam giác, móc trên một cành cây mảnh cao ngang vai. Ba người bọn họ đứng đực ra ở đó cho tới khi Karen Hughes lùi lại và bấm một loạt ảnh từ bốn góc khác nhau rồi thò tay vào túi tìm cái gì đó.
Sean chắc rằng đó là một miếng vải ni lông, có lẽ là từ áo khoác. Miếng vải sũng máu.
Karen dùng kẹp nhíp gỡ miếng vải ra khỏi cành cây và chăm chăm nhìn nó một lúc trước khi bỏ vào túi ni lông đựng tang vật.
Sean cúi người, nghển cổ nhìn xuống vực, rồi nhìn sang bờ bên kia và thấy một vết giống như vết giày cao gót hằn trên đất xốp.
Anh ra hiệu cho Whitey và chỉ cho ông ta cho tới khi ông ta cũng nhìn thấy nó. Rồi đến lượt Karen Hughes cũng nhìn theo họ và lấy chiếc máy ảnh Nikon công vụ chụp vài kiểu. Sau đó cô ta đi qua cầu, đi xuống ven miệng vực chụp thêm vài kiểu nữa.
Whitey ngồi xổm xuống nhòm dưới chân cầu. “Tôi nghĩ là cô ta có thể đã trốn ở đây một lúc. Hung thủ lại xuất hiện nên cô ta nhào sang bờ bên kia và tiếp tục bỏ chạy.”
“Tại sao cô ta tiếp tục chạy vào sâu trong công viên? Ý tôi là, lưng cô ta quay về phía con vực này, Sarge. Sao không cắm đầu chạy tắt về phía cổng ra vào?” Sean nói.
“Có thể là cô ta bị mất phương hướng. Trời thì tối mà cô ta lại bị trúng đạn.”
Whitey nhún vai và sử dụng bộ đàm gọi cho tổng đài điều độ.
“Đây là trung sĩ Powers. Chúng tôi nghi ngờ có án mạng, chuyển sang hiệu lệnh 187, tổng đài. Chúng tôi cần huy động tất cả các cảnh sát có mặt để xem xét toàn bộ khu vực công viên Penitentiary. Có thể sẽ còn cần đến cả thợ lặn nữa.”
“Thợ lặn á?”
“Đúng vậy. Chúng tôi cũng cần thanh tra cảnh sát Friel và ai đó bên công tố tới hiện trường ngay lập tức.”
“Thanh tra đang tới. Còn văn phòng công tố đã được thông báo. Đã hết?”
“Xin hết.”
Sean nhìn vết gót giày trên mặt đất và để ý thấy nhiều vết cào xới ở bên trái, nạn nhân hẳn đã phải thọc tay xuống đây lần đường để bò lên miệng vực. “Trung sĩ, ông có muốn đoán chuyện quái quỷ gì đã xảy ra ở đây đêm qua không?”
“Thậm chí còn chả muốn nghĩ tới,” Whitey trả lời.
Đứng trên bậc thang nhà thờ cao nhất, Jimmy có thể nhìn thấy con kênh Penitentiary giống như một dải ruy băng màu tía lờ đờ phía bên kia cầu vượt đường cao tốc, công viên kề sát là khoảng màu xanh duy nhất bên bờ kênh bên này. Jimmy chăm chú quan sát đỉnh chóp màu trắng bạc của tấm màn hình chiếu bóng giữa công viên, trông cao hơn cả chiếc cầu vượt. Tấm màn hình chiếu bóng vẫn luôn ở đó, kể cả khi chính quyền bang thâu tóm quyền sở hữu từ buổi bán đấu giá vì thiếu ngân quỹ của thành phố và biến nó thành tài sản của Cục công viên giải trí. Cục đã dành cả một thập kỷ sửa sang lại địa điểm này, dỡ bỏ những cột treo loa dành cho ô tô, san bằng và phủ xanh đất đai, tạo nên những con đường dành cho xe đạp, người chạy bộ dọc theo kênh, dựng lên một khu vường tự trồng, có rào bao quanh, thậm chí còn có thêm cả một bến tàu với cầu dẫn dành cho những chiếc ca nô không quay đầu được. Thế nhưng người ta vẫn giữ lại màn hình của bãi chiếu bóng cũ sừng sững giữa công viên và dựng lên trước mặt nó một sân khấu kịch bằng những cây gỗ lớn vận chuyển từ Bắc California tới. Vào mùa hè, một nhà hát địa phương sẽ trình diễn các vở của Shakespeare ở đó, vẽ lên những hoạ tiết trang trí thời Trung cổ, nhảy tới nhảy lui trên sân khấu với những thanh kiếm bằng giấy thiếc, hò hét những từ cổ lỗ sĩ như “Nhà ngươi hãy nghe đây!” hay “Thật không còn nghi ngờ gì nữa” hoặc những thứ tương tự. Mùa hè hai năm trước, Jimmy và Annabeth cùng các con gái đã tới đây xem một vở kịch nhưng cả Annabeth, Nadine và Sara đều ngủ gật trước khi hồi một kết thúc. Chỉ mỗi Katie là vẫn tỉnh táo, ngồi trên một cái chăn, tì khuỷu tay lên đầu gối, hai bàn tay chống cằm nên Jimmy cũng phải cố mở mắt mà theo dõi. Đêm đó họ diễn vở Taming of the Shrew (Thuần phục cô nàng đanh đá) mà phần lớn Jimmy không hiểu được - đại loại về một gã muốn đưa vị hôn thê của hắn vào kỷ cương cho tới khi cô ta trở thành một người vợ phục tùng, dễ bảo. Jimmy chịu không tài nào nhìn thấy tính nghệ thuật trong vở kịch ấy và đoán rằng chắc là do không hiểu ngôn từ cổ. Katie thì hoàn toàn bị chinh phục. Con bé lúc thì phá ra cười sằng sặc lúc lại chết lặng đi, cứ mấy lần như thế và cuối cùng bảo với Jimmy là vở kịch thật “kỳ diệu”. Jimmy chẳng hiểu điều đó có nghĩa là gì và Katie cũng chịu không giải thích được. Con bé chỉ nói là nó có cảm giác như vở kịch đã “mang nó đi” và suốt sáu tháng sau đó lúc nào Katie cũng nhắc tới việc sau khi tốt nghiệp, sẽ chuyển sang sống ở Ý.
Jimmy đứng đó nhìn sang rìa khu Hạ của East Bucky mà nghĩ: Nước Ý. Ai mà ngờ được chứ.
“Bố ơi, bố ơi!” Nadine tách ra khỏi đám bạn chạy về phía Jimmy khi hắn vừa vặn bước xuống bậc thang cuối cùng, đâm sầm vào chân hắn, miệng vẫn không ngừng gọi, “Bố ơi, bố ơi.”
Jimmy nhấc con bé lên, chiếc váy hồ cứng của con bé cọ vào người hắn. Hắn thơm lên má con gái và bảo, “Bé con, bé con của ta.”
Giống hệt như cử chỉ của mẹ nó khi gỡ tóc rủ vào mắt, Nadine dùng hai ngón tay hất chiếc khăn voan ra khỏi mặt. “Bố ơi, cái váy này ngứa quá.”
“Ờ, bố không phải mặc nó mà còn thấy ngứa nữa là.” Jimmy nói.
“Bố mà mặc váy thì chắc buồn cười lắm, hi hi!”
“Nhưng nếu nó vừa khít như con mặc chiếc váy này thì chắc cũng không tệ.”
Nadine trợn tròn mắt rồi lấy chóp khăn voan cứng cọ cọ dưới cằm Jimmy và hỏi, “Nhột không bố?”
Jimmy nhìn qua đầu con bé về phía Annabeth và Sara, thấy yêu thương dâng trào trong lồng ngực, lòng vừa tràn ngập hoan hỉ, vừa như bị rút hết sinh khí.
Một viên đạn lạc có thể xuyên qua lưng hắn lúc này, ngay giây phút này thì hắn cũng chẳng bận tâm. Chẳng nhằm nhò gì. Vì hắn đang hạnh phúc. Hạnh phúc nhất trần đời.
Hay gần như thế. Hắn vẫn lần tìm Katie trong đám đông, hy vọng con bé sẽ xuất hiện vào phút chót. Thay vào đó, hắn chỉ thấy một chiếc xe tuần tra của cảnh sát rẽ ngoặt ở góc đại lộ Buckingham, đi vào làn bên trái phố Roseclair, lốp sau nghiến vào dải phân cách, tiếng còi hụ the thé dồn dập xé rách không khí buổi sớm. Jimmy nhìn thấy người lái xe đạp ga, nghe tiếng động cơ tăng tốc vù vù và chiếc xe lao trên phố Roseclair về phía kênh Penitentiary. Một chiếc xe màu đen không có dấu hiệu gì đặc biệt lao theo, hai xe chỉ cách nhau vài giây, chiếc xe thứ hai không rú còi nhưng chắc chắn cũng là xe cảnh sát, chỉ cần nhìn cái cách tài xế cua gấp một khúc chín mươi độ để rẽ sang phố Roseclair với vận tốc sáu mươi cây số một giờ, động cơ vang rền.
Khi Jimmy đặt Nadine xuống đất trở lại, hắn chợt có một dự cảm chẳng lành, dường như có chuyện gì khủng khiếp đã xảy ra. Hắn quan sát hai chiếc xe cảnh sát chui qua bên dưới cầu vượt rồi rẽ phải về hướng cổng ra vào của công viên Penitentiary và cảm thấy dường như dòng máu của Katie đang chảy trong huyết quản hắn, trong mỗi mao mạch mỗi tế bào, cùng với tiếng còi xe ô tô cảnh sát dồn dập và tiếng lốp xe nghiến trên đường.
Katie, hắn gần như hét lên. Lạy đức Chúa lòng lành. Katie.
8. Bài hát Old MacDonald
Celeste thức dậy sáng Chủ nhật hôm đó, nghĩ tới các đường ống thoát nước, tới hệ thống đường ống chạy xuyên qua các ngôi nhà, quán ăn, trung tâm chiếu bóng, siêu thị và tạo thành một hệ khung xương khổng lồ khi chạy từ trên xuống dưới những toà công sở bốn mươi tầng, trong từng tầng một rồi vươn ra khắp nơi, tạo thành những mạng lưới thoát nước và cống rảnh khổng lồ bên dưới các thành phố và thị trấn, kết nối con người chặt chẽ hơn cả ngôn ngữ, với một mục đích duy nhất là cuốn đi những thứ mà chúng ta đã tiêu thụ và đào thải khỏi cơ thể, khỏi bát, đĩa và cuộc đời mình.
Tất cả những chất thải đó rốt cuộc đã trôi đi đâu?
Cô cho là mình từng đặt ra câu hỏi này trước đó, một cách mơ hồ, giống như chúng ta vẫn thường tự hỏi làm sao máy bay có thể di chuyển trên không trung mà không cần phải vỗ cánh, nhưng giờ thì cô muốn tìm hiểu nó một cách rõ ràng. Cô ngồi dậy trên giường, vừa tò mò vừa lo lắng, tai dỏng lên nghe tiếng Dave và Michael chơi bóng Wiffle cách ba tầng lầu ở dưới sân. Trôi đi đâu mới được chứ nhỉ? Cô tự hỏi.
Chúng hắn phải trôi tới một nơi nào đó. Tất cả đám nước thải ấy, từ nước xà phòng rửa tay, dầu gội đầu, bột giặt, giấy vệ sinh, những bãi nôn mửa từ quán bar, những vết ố cà phê, vệt máu, mồ hôi, đám bụi đất bám ở gấu quần, vệt cáu ghét trên cổ áo, rau thừa canh cặn trong sọt rác, thuốc lá, nước tiểu, những lông, những tóc rụng ra từ cằm, từ má, từ bụng, từ chân - tất cả sẽ hoà lẫn với hàng trăm ngàn những thứ tương tự khác, và vào ban đêm, cô chắc vậy, sẽ chảy qua những hành lang âm u đầy chuột gián, sâu bọ tới một hầm mộ lớn rồi nhập vào một dòng nước xiết đổ ra... đổ ra đâu mới được nhỉ?
Người ta không còn dẫn nước thải ra biển nữa. Không phải vậy sao? Họ không được làm thế nữa. Cô mang máng nhớ tới cái gì gọi là quá trình xử lý nước thải bằng bể tự hoại và nén rác, nhưng không biết có phải là do nhìn thấy ở trên phim không, mà phim ảnh bây giờ thì chỉ rặt những thứ lăng nhăng. Vậy nếu không phải chúng đổ ra biển thì chúng đi đâu mới được chứ? Còn nếu chúng vẫn đổ ra biển thật thì tại sao? Hẳn người ta phải tìm ra một cách xử lý nào tốt hơn chứ? Nhưng khi nhớ lại hình ảnh đám đường ống chằng chịt đó, tất cả lượng chất thải đó, cô vẫn không khỏi băn khoăn vì chưa tìm ra một câu trả lời thích đáng.
Cô nghe thấy tiếng cây gậy vụt vào trái bóng wiffle, tạo thành một tiếng rít khan trong không khí. Và rồi tiếng Dave thán phục hét lên, “Wow!”, tiếng Michael reo hò và tiếng chó sủa, cũng giòn tan như tiếng gậy tiếp bóng lúc trước.
Celeste nằm ngửa ra trên giường và lúc này mới để ý rằng mình vẫn còn chưa mặc quần áo, đồng hồ thì đã chỉ quá mười giờ. Chuyện này vốn hiếm khi xảy ra, nhất là từ khi Michael bắt đầu biết đi khiến cô đột nhiên thấy hổ thẹn, nhưng cảm giác này nhanh chóng biến mất khi cô nhớ lại khoảnh khắc cô đặt môi hôn lên vết sẹo còn mới của Dave vào lúc bốn giờ sáng ở trong bếp. Cô quỳ gối trên sàn, nhấm nháp sự sợ hãi cũng như dòng adrenalin đang toả ra từ mọi ngõ ngách trên người anh, những nỗi sợ hãi về bệnh AIDS hay viêm gan trước đó đều bị đánh bại bởi ham muốn được thưởng thức anh ngay lúc này, được áp sát vào cơ thể của anh. Cô tụt chiếc áo tắm khỏi vai, lưỡi cô vẫn trườn nhẹ trên da thịt anh, cô quỳ ở đó với độc một chiếc áo ngủ phong phanh và quần lót màu đen mỏng, cảm nhận được giá lạnh ban đêm đang luồn qua khe cửa khiến mắt cá chân và đầu gối tê buốt. Sự sợ hãi đã khiến cho da thịt Dave vừa có chút vị đắng, lại vừa có thứ vị ngọt của đường, lưỡi cô mềm mại chuyển động từ vết thương lên gần phía cổ họng của anh trong khi tay cô úp vào khoảng giữa đùi anh và cảm nhận được sự cương cứng của anh, nghe thấy hơi thở anh mỗi lúc một thêm dồn dập. Cô những muốn khoảnh khắc này kéo dài mãi mãi, hương vị này của anh, thứ quyền năng đột ngột xâm chiếm cơ thể cô và cô đứng dậy, bao phủ lấy anh. Cô đưa lưỡi lùa trong miệng anh, những ngón tay cô lồng vào tóc anh, siết chặt và tưởng tượng ra rằng cô đang cố gắng hút sạch sang người cô nỗi đau mà anh phải chịu đựng trong cuộc chạm trán đen đủi ở bãi gửi xe. Cô ôm chặt đầu anh và cọ xát da thịt cô vào anh cho tới khi anh lột áo của cô ra và vục miệng anh vào ngực cô, thân thể cô không ngừng uốn éo phía dưới bụng anh khiến anh bật ra những tiếng rên rỉ. Cô những muốn Dave hiểu rằng đây chính là sự gắn kết giữa hai người bọn họ, sự tiếp xúc da thịt, sự hoà nhập của hai cơ thể, hương vị của đối phương cũng như nhu cầu được ở bên nhau và cuối cùng là tình yêu, đúng vậy, chính là tình yêu vì khi suýt mất anh cô mới nhận ra rằng cô yêu anh sâu nặng tới chừng nào.
Răng anh ngậm lấy núm vú của cô mút chặt tới mức làm cô đau nhưng cô lại càng ấn ngực mình vào sâu trong miệng anh, chấp nhận đau đớn. Có chảy máu cô cũng không ngại, vì anh đang hút lấy cô, đang cần cô, những ngón tay của anh bấm sâu vào lưng cô để xuất ra hết những sợ hãi trong lòng, truyền chúng sang người cô. Và cô sẽ đón nhận hết thảy rồi nhổ chúng ra ngoài cho anh, như vậy cả hai người bọn họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cô thực sự không nghi ngờ gì về điều đó.
Khi cô mới hẹn hò với Dave, cuộc sống tình dục của họ phải gọi là điên cuồng không giới hạn. Cô thường trở về nhà, căn hộ cô ở cùng với Rosemary, người đầy những vết bầm tím, vết cắn, vết cào trên lưng, hai người bọn họ như muốn gặm nhấm đối phương tới xương tuỷ, ngấu nghiến nhau cho tới khi kiệt sức, như kẻ nghiện lên cơn giữa hai lần chích thuốc. Kể từ khi Michael sinh ra - nói đúng hơn là kể từ khi Rosemary chuyển tới ở với họ sau khi khối ung thư đầu tiên được phát hiện - Celeste và Dave trượt dần vào nếp sống tẻ nhạt, lặp đi lặp lại của một cặp vợ chồng bình thường mà phim truyền hình vẫn thường xuyên lấy làm đề tài chế giễu, thường là do quá mệt mỏi hay thiếu riêng tư để làm nhiều hơn vài phút dạo đầu, vài phút sinh hoạt bằng miệng trước khi mau chóng chuyển sang sự kiện chính, mà sau nhiều năm cũng chả còn được coi là sự kiện chính nữa vì nó chỉ còn giống như một thứ hoạt động giết thời gian trong lúc chờ đợi chương trình dự báo thời tiết kết thúc để chuyển sang tiết mục talkshow của Leno.
Nhưng cơn ân ái đêm qua hẳn là một sự kiện quan trọng khiến cho cô giờ vẫn còn nằm trên giường, cơ thể bầm dập, xương cốt rã rời vì dư âm của nó.
Chỉ khi nghe thấy tiếng Dave ở bên ngoài nhắc nhở Michael phải tập trung thì cô mới nhớ ra chuyện gì đã khiến cô đau đầu, trước khi xảy ra vụ ống nước và cơn ân ái điên cuồng của họ, trước khi cô leo lên giường: chính là Dave đã nói dối cô.
Cô đã nhận ngay ra điều đó khi anh bước chân vào nhà, nhưng cô cố tình lờ nó đi. Rồi khi cô nằm dưới sàn nhà, ưỡn người và cong mông lên để anh có thể đi vào bên trong cơ thể cô, cô lại nhìn thấy nó một lần nữa. Cô quan sát đôi mắt anh, hơi mờ đi một cách đờ đẫn, khi anh vào trong cô, kéo hai chân cô siết chặt quanh hông mình và cô đón nhận cú thọc sâu đầu tiên của anh thì cô hoàn toàn chắc chắn rằng câu chuyện của anh là bịa đặt.
Trước hết, chả ai nói những câu như thế này, “Ví của mày hay mạng của mày, đồ chó. Tao sẽ lấy một trong hai thứ đó.” Nghe thật hài hước. Đúng thế, giống như cô từng nghĩ trước đó lúc còn ở trong buồng tắm, cứ như là ở trên phim. Ngay cả tên trộm có thích câu nói đó thì hắn cũng không đời nào mang ra áp dụng trên thực tế. Không thể nào. Caleste hồi trẻ cũng bị đánh cướp một lần ở Common. Tên cướp, một gã lai da đen, cổ tay gầy guộc khẳng khiu, mắt nâu mờ mịt bước tới trước mặt cô ở một nơi vắng vẻ, lạnh lẽo, lúc trời gần tối, kề một con dao bấm cạnh hông cô, để cô kịp liếc qua đôi mắt không chút cảm xúc nào của hắn rồi nói, “Mày có gì trong người?”
Xung quanh họ chẳng có ai ngoài những thân cây tháng Mười hai trụi lá, người ở gần nhất là một viên chức đang vội vã về nhà trên phố Beacon, cách họ khoảng hai mươi mét và một hàng rào kẽm gai. Tên cướp lại gí dao sát hơn nữa vào quần jean của cô, chưa cắt vào thịt nhưng rõ ràng muốn gia tăng áp lực và cô có thể ngửi thấy mùi răng sâu và mùi sô cô la phả ra từ miệng hắn. Cô đưa ví cho hắn, cố tránh nhìn vào đôi mắt màu nâu mờ mịt hơi nước của hắn và có một cảm giác không thể lý giải nổi rằng trong người hắn còn nhiều thứ vũ khí nguy hiểm hơn nữa. Hắn đút ví của cô vào trong túi áo khoác và bảo, “Mày may đấy, tao đang vội,” rồi rảo bước về phố Park, không có vẻ gì vội vã hay sợ hãi.
Cô cũng nghe nhiều phụ nữ khác kể vậy. Đàn ông, ít nhất thì ở thành phố này là thế, rất hiếm khi bị cướp trừ phi tự muốn rước hoạ vào thân còn phụ nữ thì chuyện đó xảy ra như cơm bữa. Luôn là những lời đe doạ cưỡng hiếp, ngụ ý hay trắng trợn nhưng tất cả những gì mà cô nghe được đều không nhắc gì tới một tên trộm ăn nói hoa mỹ. Đơn giản là vì chúng không có thời gian. Chúng cần phải hành động nhanh gọn. Xuất hiện và biến mất trước khi nạn nhân kịp há miệng kêu cứu.
Và rồi lại còn tình tiết tên trộm một tay cầm dao, một tay phóng ra nắm đấm. Cứ cho tay cầm dao là tay thuận đi, vậy sao có thể phóng ra nắm đấm bằng tay trái được?
Đúng thế, đúng là cô có tin việc Dave bị dồn tới đường cùng, rơi vào tình thế bắt buộc phải ra tay nếu không muốn bị giết hại. Cô cũng biết chắc anh không phải là loại người thích gây sự. Nhưng câu chuyện của anh rõ ràng có nhiều sơ hở. Nó giống hệt như việc cố gắng giải thích về vệt son trên cổ áo, anh có thể là một gã chung thuỷ nhưng cách anh giải thích lại rất lòng vòng, ngớ ngẩn, chỉ gây tác dụng ngược lại.
Cô hình dung ra cảnh hai nhân viên điều tra ngồi trong bếp nhà họ, hỏi hết câu này tới câu khác và cô dám chắc là Dave sẽ bị lộ tẩy. Câu chuyện của anh sẽ không thể đứng vững dưới đôi mắt khách quan và những câu hỏi lặp đi lặp lại của cảnh sát. Cũng giống như khi cô hỏi về thời thơ ấu của anh. Dĩ nhiên là cô có nghe được chuyện này chuyện nọ, khu Hạ chẳng qua cũng chỉ là một thị trấn nhỏ giữa một thànhh phố lớn với những lời xì xầm, bàn tán. Thế nên có một lần cô nói với Dave rằng nếu có chuyện gì khủng khiếp xảy ra khi anh còn bé mà anh không thể chia sẻ với bất kỳ ai thì anh có thể tâm sự với cô, người vợ đang mang trong mình giọt máu của anh. Anh nhìn cô vẻ như đang lục lại trí nhớ. “Ô, em muốn nói cái lần đó á?”
“Lần gì cơ?”
“Cái lần anh chơi với Jimmy và thằng nhóc đó, Sean Devine. Ừ, mà em biết cậu ta đấy. Em đã từng cắt tóc cho cậu ta một lần, hai lần gì đó đúng không?”
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian